Ở nước ta, tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng. Số liệu năm 2018 cho thấy, số người cao tuổi trên cả nước chiếm đến 11,2 triệu người. Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi như thế nào cho đúng? Làm sao để người cao tuổi luôn sống vui, sống khỏe không chỉ là câu hỏi của mỗi gia đình có người cao tuổi mà còn là vấn đề được đặt ra của cộng đồng xã hội, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể…
Các vấn đề về sức khỏe của người cao tuổi
Khi tuổi đã cao, các cơ quan trong cơ thể dần suy yếu, đồng thời hệ miễn dịch cũng không còn khỏe mạnh như lúc đầu. Các bộ phận của cơ thể bắt đầu gặp trục trặc bởi quá trình lão hóa, tình trạng này dưới sự tác động của các yếu tố bên ngoài dễ gây ra các vấn đề về sức khỏe. Bởi vậy, mỗi người cần nắm rõ các vấn đề về sức khỏe của tuổi già để có cách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho đúng.
Các vấn đề về sức khỏe mãn tính khá phổ biến ở người cao tuổi. Bệnh mãn tính có thể kể đến ở đây như các bệnh về tim, ung thư, đột quỵ, đái tháo đường… Nghiên cứu chỉ ra rằng, có đến 92% người cao tuổi mắc phải ít nhất một bệnh mãn tính, tỉ lệ này là 77% ở những người cao tuổi mắc ít nhất 2 bệnh. Một trong những nguyên nhân làm gia tăng bệnh mãn tính là do tình trạng béo phì thừa cân. Để phòng chống những căn bệnh này bạn cần có lối sống khoa học, bao gồm cả việc ăn uống và luyện tập thể dục thể thao hợp lý. Người cao tuổi cũng cần hình thành thói quen thăm khám định kỳ để sớm phát hiện bệnh tật và có biện pháp can thiệp phù hợp.
Tình trạng thường gặp thứ 2 ở người cao tuổi là các vấn đề liên quan đến nhận thức, bệnh mất trí nhớ. Tính đến năm 2020, số người mắc chứng mất trí nhớ là khoảng 47,5 triệu người, con số này theo thời gian đang ngày một cao hơn. Bên cạnh việc ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, ghi nhớ, học hỏi… căn bệnh này trở nên phức tạp hơn khi ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người cao tuổi, họ khó khăn hơn kể cả trong việc hoàn thành các thói quen ăn uống vệ sinh đơn giản. Căn bệnh này vẫn có thể khống chế và điều trị bằng thuốc thông qua liệu trình phù hợp.
Tình trạng nguy hiểm thứ 3 đối với người cao tuổi là các vấn đề về hô hấp. Trong năm 2014, có đến 124.693 người tử vong vì loại bệnh này. Các vấn đề về hô hấp có thể phát triển mạnh hơn và dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm. Nếu không điều trị kịp thời và đúng lúc thì bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần. Bảo vệ hệ hô hấp trước các yếu tố môi trường là việc cần thiết cho cả người trẻ và người tuổi đã cao.
Người cao tuổi bị suy thoái về xương khớp và cơ bắp, họ hoạt động kém linh hoạt hơn và dễ gặp chấn thương hơn, gây bầm tím hoặc gãy xương. Các loại bệnh về xương khớp cũng khiến bộ phận này càng bị thoái hóa, khó nâng đỡ cơ thể và dễ ngã hơn. Cứ khoảng 15s là một người cao tuổi lại phải đưa đi cấp cứu vì bị té ngã, cứ mỗi 29 phút lại có một người cao tuổi tử vong cũng bởi nguyên nhân trên. Vấn đề đi lại vì thế phải được chú ý hơn, không gian trong nhà cũng nên bài trí gọn gàng và rộng rãi hơn.
Tổ chức Y tế Thế giới công bố rằng có đến 15% người trên 60% mắc các rối loạn tâm thần, phân nửa trong số đó ở thể nặng hơn đó là trầm cảm. Bệnh trầm cảm có thể chữa trị thông qua những tác động vào tâm lý, tăng cường lối sống lành mạnh và bảo vệ sức khỏe. Môi trường lạc quan và sự hỗ trợ của những người xung quanh cũng mang lại hiệu quả tích cực. Bệnh trầm cảm khiến người cao tuổi bị bế tắc và dẫn đến tự tử, thế nhưng người ta thường coi nhẹ loại bệnh này.
Suy giảm giác quan là một trong những triệu chứng thường thấy ở tuổi già, cứ 6 người thì có 1 người suy giảm thị lực và cứ 4 người thì có 1 người suy giảm thính lực. Một biểu hiện khác là việc mất răng tự nhiên xảy đến với 25% người trên 65 tuổi. Ngoài ra, răng miệng còn tồn tại một số vấn đề khác như sâu răng, khô miệng, bệnh nướu, ung thư miệng…
>> Xem thêm:
Trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi
Chăm sóc người cao tuổi là nghĩa vụ, trách nhiệm và cũng là mong ước của con cháu. Sau khi vất vả nuôi dạy con cái nên người, đây là lúc người cao tuổi suy yếu, không còn minh mẫn sáng suốt, cần nhận lại sự chăm sóc từ gia đình. Bên cạnh việc chăm lo các nhu cầu cần thiết, thường xuyên đưa ông bà bố mẹ đi kiểm tra định kỳ, việc quan tâm đến đời sống tinh thần để người già được vui vẻ thư giãn cùng con cái là quan trọng nhất. Người cao tuổi cũng là kho tàng kiến thức và kinh nghiệm cùng với sự yêu thương để chỉ bảo và răn dạy con cháu.
Không phải chỉ đối với người cao tuổi mà mỗi người đều phải có trách nhiệm trong việc chăm sóc chính mình. Người cao tuổi cần có chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp, có lối sống khoa học lành mạnh, không dùng các chất kích thích và từ bỏ các thói quen có hại cho sức khỏe, dành thời gian để nghỉ ngơi thư giãn, sống vui vẻ lạc quan hơn…
Người cao tuổi đã trải qua quá trình tích lũy kinh nghiệm và cống hiến không ngừng cho xã hội, họ chính là tấm gương dạy dỗ thế hệ trẻ không chỉ về kiến thức mà cả kinh nghiệm sống. Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là vấn đề được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, chú ý. Đảng và Nhà nước đã thực hiện trách nhiệm đó thông qua hàng loạt chính sách và chủ trương để chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Dưới sự chỉ đạo của Đảng về địa phương, UBND tỉnh, Sở Y tế và các cơ quan ban ngành liên quan tích cực thực hiện các tháng hành động, các chương trình dành cho người cao tuổi. Bên cạnh việc quan tâm đến đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh thần, phát huy vai trò người cao tuổi thì vấn đề chăm sóc sức khỏe luôn luôn được coi trọng.
Người cao tuổi chính là trụ cột gia đình, là tấm gương sáng, là chỗ dựa cho thế hệ trẻ. Chăm sóc người cao tuổi thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Việc chăm sóc người cao tuổi là trách nhiệm và cần sự nỗ lực của mỗi thành phần trong cả xã hội.