Sức khỏe người cao tuổi là một trong những vấn đề đáng được quan tâm nhất. Người cao tuổi chiếm đến 12% dân số thế giới và tỉ lệ này ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, không phải người nào cũng có thể sống khỏe mạnh, nhất là đối với những người từ 65 tuổi trở lên. Để đảm bảo sức khỏe cho người cao tuổi thì cần phải có biện pháp phòng bệnh hiệu quả, nhất là trong các thời điểm nhạy cảm.
Ảnh hưởng của môi trường và khí hậu đến bệnh tật của người cao tuổi
Những vấn đề ngày càng bức bối của môi trường, khí hậu, thiên tai, bệnh dịch có ảnh hưởng tiêu cực đến các nhóm đối tượng yếu thế, trong đó có người cao tuổi. Một ví dụ điển hình như trong làn sóng dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra hiện nay, người cao tuổi, nhất là người cao tuổi có bệnh mãn tính chính là nhóm đối tượng chịu nguy hiểm lớn nhất. Nguyên nhân là do sự lão hóa của các cơ quan trong cơ thể, sự suy yếu của hệ miễn dịch, sức đề kháng không còn khiến người cao tuổi dễ mắc bệnh tật. Thời điểm dễ gây bệnh cho người cao tuổi nhất là trong mùa hè hoặc trong mùa đông, dưới tác động xấu của thời tiết và nhiệt độ.
Các bệnh cần đề phòng vào mùa hè
Mùa hè, thời tiết nóng bức ngột ngạt khiến người già càng thêm mệt mỏi chán ăn, sức đề kháng cũng vì vậy mà càng kém hơn. Nhiệt độ quá cao dễ gây nên một số bệnh tật hoặc làm trầm trọng thêm các loại bệnh vốn có trước đó.
- Cơ thể mất chất điện giải, mất nước do mồ hôi ra nhiều dễ gây tụt huyết áp và bệnh tim mạch.
- Thân nhiệt thay đổi thất thường khiến những người có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim mạch, xơ vữa động mạch…dễ bị đột quỵ, nếu không phát hiện kịp thời sẽ rất nguy hiểm.
- Mùa hè cũng khiến các vấn đề về xương khớp trở nên trầm trọng hơn, khiến người cao tuổi đau đớn, khó chịu, mất ngủ.
- Nếu không chú ý đến vấn đề ăn uống, ăn phải thực phẩm bị nắng nóng làm hư hoại cũng khiến những người có tuổi gặp các vấn đề về tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, ngộ độc…
- Các thói quen để nhiệt độ phòng ngủ quá lạnh hoặc tắm ngay sau khi đi nắng về cũng dễ gây các bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản.
- Ngoài ra, trong mùa hè, người già cũng dễ bị say nắng chóng mặt, mắc các bệnh về da do dị ứng…
Các bệnh cần đề phòng vào mùa đông
Bệnh dễ xảy đến với người cao tuổi vào mùa đông thường ít hơn mùa hè nhưng mức độ nghiêm trọng và khó chịu lại cao hơn.
- Nhiệt độ giảm mạnh trong mùa đông là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về đường hô hấp. Nhẹ thì dẫn đến viêm họng sổ mũi, nặng sẽ dẫn đến viêm phổi và viêm phế quản, có thể dẫn đến tử vong.
- Các bệnh về xương khớp sẽ nảy sinh hoặc trầm trọng hơn vào mùa đông. Thời tiết lạnh ẩm làm các cơn đau diễn ra nhức nhối khó chịu, nhất là các khớp vai, khớp gối. Các bệnh thường gặp ở người cao tuổi trong thời điểm này là gút, thấp tim, viêm khớp dạng thấp.
- Các bệnh về da cũng có thể phát sinh do thời tiết lạnh và hanh khô. Mồ hôi giảm, da mất nước, đóng vảy. Dễ gây ra tình trạng khô da, nứt nẻ, đau ngứa, thậm chí là xuất huyết dưới da.
>> Xem thêm:
Cách phòng bệnh cho người cao tuổi
Để phòng bệnh đúng cách, nhất là vào mùa hè, mùa đông cần chú ý thực hiện một số biện pháp sau:
Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý. Ăn nhiều thực phẩm tăng cường sức đề kháng, ăn nhiều rau xanh và trái cây. Hạn chế thực phẩm chiên, xào, rán, thực phẩm chế biến sẵn hay nội tạng động vật. Hạn chế đồ ăn tái sống. Ăn thành nhiều bữa nhỏ, không ăn quá no để tiêu hóa tốt hơn. Ăn chín uống sôi, không sử dụng các loại đồ ăn thức uống lạnh. Uống sữa dành cho người già, không uống sữa đặc. Không sử dụng chất kích thích, uống đủ nước. Những người bị các loại bệnh cần kiêng khem phải thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng bệnh, tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
Giữ ấm cho cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh. Luôn mặc đủ ấm, che kín các vùng cổ, vùng trước mũi. Nhà cửa kín gió, ra vào đóng cửa hoặc buông rèm. Người cao tuổi hạn chế ra ngoài vào ban đêm. Buổi sáng dậy tập thể dục hoặc nửa đêm dậy đi vệ sinh cần chú ý giữ ấm cơ thể, tránh tình trạng thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Luyện tập thể dục thể thao, vận động cơ thể. Quá trình luyện tập cần điều độ, hợp lý. Các bài tập phải đơn giản với cường độ nhẹ nhàng và phù hợp với tuổi tác. Người cao tuổi cần luyện tập ít nhất 20 phút/ngày, tránh luyện tập quá sức gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Các bài tập tiêu biểu như đi bộ, dưỡng sinh kết hợp thở sâu, thể dục tay không… Thời tiết lạnh thì nên luyện tập tại nhà hoặc nơi kín gió, chỉ cởi bỏ áo khoác ngoài sau khi đã vận động làm ấm cơ thể.
Nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý. Người tuổi đã cao cần có cuộc sống vui vẻ thoải mái, dành thời gian hợp lý để thư giãn nghỉ ngơi. Cần có thời gian ngủ khoa học, ngủ đúng giờ, đủ giờ, đủ giấc.
Giữ gìn vệ sinh. Người cao tuổi cần được sống trong không gian trong lành, sạch sẽ, thoáng mát, không bị gió lùa. Không nên nuôi các loại vật nuôi trong nhà, có thể sẽ trở thành trung gian truyền bệnh cho hệ miễn dịch vốn đã yếu của người cao tuổi. Họ cũng cần giữ vệ sinh cơ thể để ngủ ngon hơn, tránh bệnh tật về da. Nên tắm bằng nước ấm vừa đủ, thời gian tắm không quá lâu.
Trong thời điểm dịch Covid – 19 bùng phát như hiện nay, bên cạnh các biện pháp chăm sóc sức khỏe thông thường, người cao tuổi càng cần bảo vệ bản thân cẩn thận hơn với những biện pháp chống dịch hiệu quả theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Dành nhiều thời gian ở nhà, tránh đi ra ngoài, giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người khác và đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Thường xuyên sử dụng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn. Tuân thủ việc cung cấp thông tin về sức khỏe, khai báo y tế và tuân thủ các quy định khác.
Sức khỏe người cao tuổi cần được đặc biệt chú ý trong các thời điểm nhạy cảm như lúc giao mùa, thời điểm dịch bệnh, trong mùa hè nóng nực hay trong mùa đông lạnh giá. Quan tâm, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh tật cho người cao tuổi là trách nhiệm của mỗi gia đình và của cả cộng đồng.