“Người già neo đơn” – bốn từ ngắn ngủi nhưng lại ẩn chứa bao điều đáng suy ngẫm. Có thể bạn không còn quá xa lạ với cụm từ “người già neo đơn”, tuy nhiên, có những khía cạnh mà chắc hẳn bạn chưa biết đến.
Vậy người già neo đơn là những người như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ để bạn thêm phần thấu hiểu về những mảnh đời bất hạnh ấy.
Thế nào là người già neo đơn?
“Người già” là những người cao tuổi, “từ 60 tuổi trở lên, là người từng trải, có kinh nghiệm và uy tín; là nguồn lực nội sinh quý giá của dân tộc cần được tiếp tục phát huy; là người mà thể chất, sức khỏe và tinh thần ngày càng giảm sút theo sự tăng lên của tuổi tác” (Luật Người cao tuổi Việt Nam). “Neo đơn” là hoàn cảnh cô đơn, không nơi nương tựa. “Người già neo đơn” là những người lớn tuổi, có hoàn cảnh khó khăn, không có con cháu, người thân hoặc có con cháu nhưng không có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng; không có nguồn thu nhập nào để sinh sống. Họ có thể sống bên ngoài xã hội, có hoặc không có chỗ ăn ở cố định; hay được tập trung nuôi dưỡng trong các Trung tâm bảo trợ xã hội.
Người già neo đơn – những mảnh đời cơ cực
Sức khỏe yếu kém
Đại đa số người già neo đơn cớ sức khỏe kém và rất kém. Theo thống kê, ở thành thị có đến trên 90% số các cụ già neo đơn có sức khỏe kém, ở nông thôn, tỷ lệ này là 76%. Đặc biệt, từ 10 – 13% số các cụ già neo đơn (cả thành thị và nông thôn) có sức khỏe rất kém. Một số căn bệnh thường gặp ở người già neo đơn là khớp, hen suyễn, điếc, tim mạch, thần kinh. Đây là điều thực sự đáng lo ngại với họ. Bởi, bản thân các cụ già neo đơn không có đủ điều kiện khám chữa bệnh hoặc mua thuốc men.
Khó khăn về vật chất
Người già neo đơn thường là những người có sức khỏe yếu kém, không có khả năng lao động và không có thu nhập. Do đó, họ không thể nào tự lo liệu cho cuộc sống của bản thân, thậm chí, việc có đủ cơm ăn, áo mặc cũng là một điều thực sự rất khó khăn. Vì vậy, họ chỉ có thể nhờ cậy vào hàng xóm láng giềng, vào xã hội hay những trung tâm bảo trợ xã hội. Có tới 36,99% số các cụ già neo đơn không thể tự lo liệu cuộc sống của mình.
Thiếu thốn về tinh thần
Bên cạnh những khó khăn về hoàn cảnh kinh tế, về đời sống vật chất, đời sống tinh thần của người già neo đơn cũng làm chúng ta phải suy ngẫm nhiều điều. Đời sống vật chất và tinh thần là hai khía cạnh luôn song hành cùng nhau. Nếu thiếu đi một trong hai đã là một tổn thất lớn. Vậy mà phần lớn những người già neo đơn lại phải chịu thiếu thốn trên cả hai phương diện này. Họ – những người sống cô đơn, không nhận được sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương của con cháu, người thân trong những ngày tháng cuối đời. Có một tỷ lệ đáng kể cho rằng khó khăn của họ về mặt tinh thần (26%).
>> Bạn không nên bỏ lỡ:
Thực trạng người già neo đơn hiện nay
Ở độ tuổi đáng lẽ ra cần được nghỉ ngơi và phụng dưỡng, người già neo đơn lại phải chật vật kiếm sống, bươn trải ngoài xã hội hay thiếu thốn, tổn thất về tinh thần. Chỉ một số ít trong số họ được thu nhận và nuôi dưỡng tại các Trung tâm bảo trợ xã hội, phần lớn các cụ già neo đơn vẫn phải sống cô đơn bên ngoài, nhờ cậy vào sự giúp đỡ của xã hội hoặc thậm chí bị người xấu lợi dụng.
Người già neo đơn được sống trong các Trung tâm bảo trợ chỉ được đáp ứng về mặt vật chất với khoản trợ cấp ít ỏi của Nhà nước. Mặc dù được chăm sóc, quan tâm song cơ bản chưa thể đáp ứng được nhu cầu về mặt tình cảm của người già neo đơn. Họ cần có sự thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông, cần bầu bạn, cần yêu thương…
Nhưng khó khăn hơn cả vẫn là những người già neo đơn vẫn chật vật bên ngoài xã hội kia. Họ thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần. Bạn không khó bắt gặp hình ảnh các cụ già phải đi ăn xin trên phố hay các khu chợ. Họ thật sự không còn sự lựa chọn nào khác. Đây là cách duy nhất và cuối cùng để họ có thể duy trì cuộc sống.
Đáng buồn hơn rất nhiều là một bộ phận người già neo đơn bị người xấu lợi dụng. Các cụ già neo đơn trở thành công cụ kiếm tiền của người xấu.
Tương lai của người già neo đơn – dấu hỏi lớn được đặt ra
Điều này thật sự đặt ra một câu hỏi lớn đối với tương lai của người già neo đơn. Liệu rằng cuộc sống của họ sẽ ra sao khi cuộc sống ngày càng khó khăn và khắc nghiệt hơn? Liệu rằng những khó khăn, thiếu thốn về vật chất và tinh thần của họ có được bù đắp hay ngày càng bị tổn thương. Liệu rằng họ sẽ còn trở thành công cụ kiếm tiền của người xấu đến khi nào? Đến khi nào, các vấn đề về người già neo đơn mới có thể được giải quyết triệt để? Đây thực sự là một dấu hỏi lớn dành cho Nhà nước, cho xã hội, cho cộng đồng và cho bản thân mỗi chúng ta.
Người già neo đơn là một bộ phận luôn tồn tại trong xã hội hiện nay. Hy vọng rằng, trong tương lai, sẽ có thêm nhiều mái nhà chung – những Trung tâm bảo trợ xã hội có thể vun đắp vật chất và tình cảm của những cụ ông, cụ bà thiếu thốn tình thương lúc tuổi xế chiều.